THÀNH PHỐ NEW YORK
NEW YORK

TÒA NHÀ LIÊN HIỆP QUỐC

Liên Hiệp Quốc hay Liên Hợp Quốc viết tắt là LHQ là một tổ chức quốc tế có mục đích duy trì hòa bình và an ninh trên thế giới, phát triển các mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc và tiến hành hợp tác quốc tế giữa các nước trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc. Hiện nay, Liên Hiệp Quốc có 192 thành viên, bao gồm phần lớn các quốc gia có chủ quyền trên Trái Đất. Liên Hiệp Quốc sử dụng 6 ngôn ngữ chính thức: tiếng Ả Rập, tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Tây Ban Nha.
Từ trụ sở trong lãnh phận quốc tế tại thành phố New York, Liên Hiệp Quốc và các cơ quan chuyên môn của nó quyết định các vấn đề về điều hành và luật lệ.Theo hiến chương LHQ thì tổ chức này gồm 6 cơ quan chính, chủ yếu gồm: Đại hội đồng, Hội đồng Bảo An, Hội đồng kinh tế và xã hội, Ban thư kí, Tòa án Quốc tế vì Công lý,Hội đồng Quản thác. Ngoài ra, một số tổ chức tiến hành quản lý các cơ quan của Hệ thống Liên Hiệp Quốc, ví dụ như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF).
Nhân vật đại diện tiêu biểu nhất của Liên Hiệp Quốc là Tổng thư kí, đương nhiệm là Ban Ki-moon, người Hàn Quốc.
Liên Hiệp Quốc được tài trợ bằng các khoản đóng góp tự nguyện và có kiểm soát từ các nước thành viên.
Lịch sử hình thành
Trụ sở Liên Hiệp Quốc trong lãnh phận quốc tế tại Manhattan, Thành phố New York...
Tiền thân của Liên Hiệp Quốc là Hội Quốc Liên (League of Nations), vốn là một sáng kiến của Tổng thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson sau chiến tranh thế giới thứ nhất. Hoa Kỳ tuy sáng lập nhưng lại không chính thức làm hội viên, hơn thế quy chế hoạt động của hội lại lỏng lẻo, các cường quốc như Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, Pháp, Nga, Đức, Ý, Nhật Bản tham gia vốn chỉ để tranh giành ảnh hưởng cho mình. Dù hội đạt được một số thành tựu đáng kể trong công cuộc giải phóng phụ nữ cũng như những hoạt động nhân đạo nhưng chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ và buộc Hội quốc liên phải giải tán.
Sau Thế chiến thứ hai, các nước Khối Đồng Minh và nhân dân thế giới có nguyện vọng giữ gìn hòa bình và ngăn chặn các cuộc chiến tranh thế giới mới. Tại Hội nghị Yalta, nguyên thủ ba nước Liên Xô, Mĩ, Anh đã thống nhất thành lập tổ chức quốc tế để giữ gìn hòa bình và an ninh thế giới. Trên cơ sở Hội nghị Durbarton Oaks ở Washington, D.C., từ 25 tháng 4 đến 26 tháng 6 năm 1945, đại diện của 50 quốc gia đã họp tại San Francisco, California, Hoa Kỳ để thông qua Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Ngày 24 tháng 10 năm 1945, Liên Hiệp Quốc chính thức được thành lập. Tuy vậy, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (General Assembly) đầu tiên, tham dự bởi 51 nước, không được tổ chức cho mãi đến ngày 10 tháng 1 năm 1946 (tại Nhà họp chính Westminster ở Luân Đôn).
"Một sự nghiệp vĩ đại để tạ ơn Đức Chúa toàn năng..." Tổng thống Mỹ Harry S. Truman đã nói như vậy về thành tựu của hội nghị tại San Francisco, một hội nghị đã góp phần vào việc soạn thảo bản Hiến chương Liên Hợp Quốc năm 1945. Câu nói của tổng thống Truman đã đại diện cho hàng triệu người, những người tin rằng tổ chức mới này sẽ làm cho những cuộc chiến tranh thế giới lùi sâu vào dĩ vãng. Lời tựa của bản Hiến chương đã nêu rõ mục đích của tổ chức này: "Chúng tôi, những dân tộc của Liên Hợp Quốc, quyết tâm cứu những thế hệ mai sau khỏi thảm họa chiến tranh...".
Một bản đồ thế giới thể hiện các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc
Tới năm 2006 có 192 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, gồm tất cả các quốc gia độc lập được thế giới công nhận. Trong số những nước không phải thành viên, đáng chú ý nhất là Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), ghế của họ tại Liên Hiệp Quốc đã được chuyển giao cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1971; Tòa Thánh (thực thể quản lý Thành Vatican), vốn đã từ bỏ quy chế thành viên nhưng vẫn là một quốc gia quan sát viên; Nhà nước Palestine (là một quan sát viên cùng với Chính quyền Quốc gia Palestine). Hơn nữa, những dân tộc dưới chủ quyền nước ngoài và các quốc gia không được công nhận cũng không hiện diện tại Liên Hiệp Quốc, như Transnistria. Thành viên mới nhất của Liên Hiệp Quốc là Montenegro, chính thức gia nhập ngày 28 tháng 6 năm 2006.
Liên Hiệp Quốc đã vạch ra các nguyên tắc cơ bản cho tư cách thành viên:
Tư cách thành viên của Liên Hiệp Quốc mở rộng cho tất cả các quốc gia yêu chuộng hòa bình và chịu chấp nhận các nguyên tắc được đặt ra trong Hiến chương hiện thời và trong các phán quyết của Tổ chức, có thể và sẵn sàng thực thi những nguyên tắc đó.
Sự thu nhận một quốc gia như thế vào Liên Hiệp Quốc sẽ bị ảnh hưởng bởi quyết định của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc với sự giới thiệu của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Trụ sở
Toà nhà trụ sở Liên Hiệp Quốc hiện nay được xây dựng trên một khu đất rộng 16 acre tại Thành phố New York trong giai đoạn từ năm 1949 tới 1950, bên cạnh Khu phía Đông của thành phố. Khu đất này được John D. Rockefeller, Jr. mua với giá 8.5 triệu dollar, con trai ông Nelson là nhà thương thuyết chủ yếu với chuyên viên thiết kế William Zeckendorf, vào tháng 12 năm 1946. Sau đó John D. Rockefeller, Jr. tặng khu đất này cho Liên Hiệp Quốc.
Trụ sở được một đội các kiến trúc sư quốc tế gồm cả Le Corbusier (Thuỵ Sĩ), Oscar Niemeyer (Brasil) và đại diện từ nhiều nước khác thiết kế. Wallace K. Harrison, một cố vấn của Nelson Rockefeller, lãnh đạo đội. Đã xảy ra một vụ rắc rối giữa những người tham gia về thẩm quyền của từng người. Trụ sở Liên Hiệp Quốc chính thức mở cửa ngày 9 tháng 1 năm 1951. Trụ sở chính của Liên Hiệp Quốc nằm tại New York, trụ sở một số cơ quan khác của tổ chức này nằm tại Geneva, La Hay, Wien, Montréal, Copenhagen, Bonn và nhiều nơi khác.
Địa chỉ trụ sở Liên Hiệp Quốc là 760 United Nations Plaza, New York, NY 10017, USA. Vì những lý do an ninh, tất cả thư từ gửi tới địa chỉ trên đều được tiệt trùng.
Các tòa nhà Liên Hiệp Quốc đều không được coi là các khu vực tài phán chính trị riêng biệt,[cần dẫn nguồn] nhưng thực sự có một số quyền chủ quyền. Ví dụ, theo những thỏa thuận với các nước chủ nhà Cơ quan quản lý thư tín Liên Hiệp Quốc được phép in tem thư để gửi thư tín trong nước đó. Từ năm 1951 văn phòng tại New York, từ năm 1969 văn phòng tại Geneva, và từ năm 1979 văn phòng tại Wien đã in ấn tem riêng của mình. Các tổ chức của Liên Hiệp Quốc cũng sử dụng tiền tố viễn thông riêng, 4U, và về mặt không chính thức, các trụ sở tại New York, Geneva và Wien được coi là các thực thể riêng biệt đối với các mục đích radio không chuyên.
Bởi trụ sở chính của Liên Hiệp Quốc đã trải qua một quá trình sử dụng khá dài, Liên Hiệp Quốc hiện đang trong quá trình xây dựng một trụ sở tạm do Fumihiko Maki thiết kế trên Đại lộ thứ nhất giữa Phố 41 và Phố 42 để dùng tạm khi công trình hiện nay đang được tu sửa
Trước năm 1949, Liên Hiệp Quốc sử dụng nhiều địa điểm tại London và tiểu bang New York.
Tài chính
Liên Hiệp Quốc hoạt động nhờ tiền đóng góp và tiền quyên tự nguyện từ các quốc gia thành viên. Những ngân sách chính thức hai năm của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức chuyên biệt của họ lấy từ những khoản đóng góp. Đại hội đồng thông qua ngân sách chính thức và quyết định khoản đóng góp của mỗi quốc gia thành viên. Điều này dựa chủ yếu trên năng lực chi trả của mỗi nước, tính theo những số liệu thống kê thu nhập cùng với những yếu tố khác.
Đại hội đồng đã đưa ra nguyên tắc rằng Liên Hiệp Quốc sẽ không quá phụ thuộc vào bất kỳ một quốc gia thành viên nào trong lĩnh vực tài chính cần thiết cho những hoạt động của mình. Vì thế, có một mức "trần", quy định khoản tiền tối đa một nước có thể đóng góp cho ngân sách. Tháng 12 năm 2000, Đại hội đồng đã sửa đổi tỷ lệ đóng góp để phản ánh chính xác hơn cục diện thế giới hiện tại. Như một phần của sự sửa đổi này, trần đóng góp được giảm từ 25% xuống 22%. Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất đóng góp ở mức trần, nhưng những khoản tiền họ còn thiếu lên tới hàng trăm triệu dollar (xem Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc). Theo mức đóng góp mới được thông qua năm 2000, các nước đóng góp lớn khác vào ngân sách Liên Hiệp Quốc năm 2001 là Nhật Bản (19.63%), Đức (9.82%), Pháp (6.50%), Anh (5.57%), Ý (5.09%), Canada (2.57%), Tây Ban Nha (2.53%) và Brasil (2.39%).
Các chương trình đặc biệt của Liên Hiệp Quốc không được tính vào ngân sách chính thức của tổ chức này (ví dụ như UNICEF và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP)), chúng hoạt động nhờ những khoản quyên góp tự nguyện từ các chính phủ thành viên. Một số các khoản đóng góp dưới hình thức các loại thực phẩm nông nghiệp viện trợ cho những người bị ảnh hưởng, nhưng chủ yếu vẫn là tiền mặt.
Ngôn ngữ
Liên Hiệp Quốc sử dụng sáu ngôn ngữ chính thức: tiếng Ả Rập, tiếng Hoa, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Tây Ban Nha. Ban thư ký sử dụng hai ngôn ngữ làm việc: (tiếng Anh và tiếng Pháp).
Khi Liên Hiệp Quốc được thành lập, bốn ngôn ngữ chính thức được lựa chọn là: tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Pháp và tiếng Nga. Tiếng Ả Rập và tiếng Tây Ban Nha được đưa vào thêm năm 1973. Hiện có những tranh cãi trái chiều về việc liệu có nên giảm bớt số lượng ngôn ngữ chính thức (ví dụ chỉ giữ lại tiếng Anh) hay nên tăng thêm con số này. Áp lực đòi đưa thêm tiếng Hindi thành ngôn ngữ chính thức đang ngày càng gia tăng. Năm 2001, các nước nói tiếng Tây Ban Nha phàn nàn rằng tiếng Tây Ban Nha không có tư cách ngang bằng so với tiếng Anh. Những nỗ lực chống lại sự tụt giảm vị thế của tiếng Pháp trong tổ chức này cũng rất to lớn, vì thế tất cả các Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đều phải biết dùng tiếng Pháp và rõ ràng việc Tổng thư ký mới Ban Ki-Moon gặp khó khăn để có thể nói trôi chảy ngôn ngữ này trong buổi họp báo đầu tiên của ông bị một số người coi là một sự mất điểm.
Tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc đối với các tài liệu bằng tiếng Anh (Hướng dẫn xuất bản Liên Hiệp Quốc) tuân theo quy tắc của tiếng Anh. Liên Hiệp Quốc và tất cả các tổ chức khác là một phần của hệ thống Liên Hiệp Quốc sử dụng phương pháp đánh vần Oxford. Tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc về tiếng Hoa (Quan thoại) đã thay đổi khi Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) phải nhường ghế cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1971. Từ năm 1945 đến 1971 kiểu chữ phồn thể được sử dụng, và từ năm 1971 kiểu chữ giản thể đã thay thế.
Trong số các ngôn ngữ chính thức của Liên Hiệp Quốc, tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức của 52 quốc gia thành viên, tiếng Pháp của 29 thành viên, tiếng Ả Rập là 24, tiếng Tây Ban Nha là 20, tiếng Nga tại 4 và tiếng Trung Quốc tại 2 nước. Tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Đức là những ngôn ngữ được sử dụng ở khá nhiều nước thành viên Liên Hiệp Quốc (8 và 6) nhưng lại không phải là ngôn ngữ chính thức của tổ chức này.
Các mục đích của Liên Hiệp Quốc
Những mục đích được nêu ra của Liên Hiệp Quốc là ngăn chặn chiến tranh, bảo vệ nhân quyền, cung cấp một cơ cấu cho luật pháp quốc tế, và để tăng cường tiến bộ kinh tế, xã hội, cải thiện các điều kiện sống và chống lại bệnh tật. Liên Hiệp Quốc tạo cơ hội cho các quốc gia nhằm đạt tới sự cân bằng trong sự phụ thuộc lẫn nhau trên bình diện thế giới và giải quyết các vấn đề quốc tế. Nhằm mục đích đó, Liên Hiệp Quốc đã phê chuẩn một Tuyên ngôn Chung về Nhân Quyền năm 1948.